Theo các báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2018 thì chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,4% của cùng kỳ của năm 2017.
Trong đó, với ngành công nghiệp chế biến thì chế tạo tăng 17,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; ngành khai khoáng tăng 5,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,3%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, là ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy tính và sản phẩm quang học trong 2 tháng đầu năm tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,4%), chủ yếu là do có đóng góp của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam với doanh thu 2 tháng đầu năm ước đạt 49,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, còn một số ngành như sản xuất giường tủ, bàn, ghế hay cấp thoát nước và xử lý nước thải cũng có mức tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 20,2% và 20,1%.
Và còn một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng 5% (dầu thô khai thác giảm 4,9%; khí đốt thiên nhiên tăng 16,8%); khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,5%; sản xuất thuốc lá tăng 2,9%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 0,5%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 1,5%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 2 tháng đầu năm có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như là TV tăng 73,9%; sắt thép thô tăng 40,5%; sữa bột tăng 23,7%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 21,2%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 20,7%; xi măng tăng 19%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 16,8%; thức ăn cho thủy sản tăng 16%; điện thoại di động tăng 14,6%.
Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm, bao gồm thuốc lá điếu tăng 2,9%; bột ngọt tăng 1,7%; giày, dép da tăng 1,4%; thức ăn cho gia súc giảm 1,1%; dầu gội đầu, dầu xả giảm 2%; dầu thô khai thác giảm 4,9%; phân u rê giảm 7,9%.